Bố trí thiết bị phòng nghe tối ưu âm thanh phần I

FBShare
Ghi nhớ trang

Phòng nghe là yếu tố có ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng âm thanh. Trên thực tế, có thể coi đặc tính âm học của phòng nghe như “thiết bị đặc biệt” trong hệ thống hi-fi. Bởi mỗi phòng nghe sẽ tạo nên một hiệu ứng đặc biệt đến quá trình tái tạo âm thanh của bộ dàn. Do đó, hệ thống audio chỉ có thể phát huy tối đa khi được kê đặt chính xác trong môi trường đã xử lý âm học phù hợp. Một trong những biện pháp đơn giản, nhưng khá hiệu quả trong việc cải thiện âm thanh của hệ thống là sắp đặt hệ thống loa vào vị trí tối ưu trong phòng nghe.

>>> Bố trí thiết bị phòng nghe tối ưu âm thanh phần II
>>> Bố trí, sắp đặt thiết bị phòng nghe để có âm thanh tối ưu phần III

Cách bố trí loa trong phòng nghe là yếu tố đầu tiên quyết định chất lượng âm thanh và khả năng trình diễn của loa. Công việc tưởng như đơn giản này lại là rắc rối lớn nhất với rất nhiều người nghe. Việc sắp đặt loa có tác động không nhỏ đến độ chi tiết, sự chính xác của âm hình, chất và lượng của âm bass, sự trung thực của âm mid… Để có cách sắp xếp loa phù hợp nhất với từng loại phòng nghe, người dùng cần nắm rõ những nguyên lý cơ bản về các mối tương quan giữa hai loa, hệ thống loa với người nghe và loa với phòng nghe. Dưới đây là một số lưu ý khi sắp đặt loa trong phòng nghe.

Đầu tiên là mối tương quan “hình học” giữa người nghe và loa, nghĩa là phải sắp xếp sao cho người nghe và hai loa xếp thành hình tam giác cân với vị trí ngồi nghe nằm trên đường phân giác. Nguyên tắc này đảm bảo tạo ra âm hình tốt nhất. Tiếp theo, khoảng cách từ loa đến các bức tường phòng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và độ lớn của âm trầm. Loa càng đặt gần tường và góc phòng nghe, âm bass càng lớn. Song điều này không đảm bảo cho chất lượng của âm trầm. Trong nhiều trường hợp, việc đặt loa gần tường khiến âm trầm trở nên thiếi kiểm soát, đánh mất độ chi tiết cần thiết.

Tiếp đó, vị trí của loa và vị trí ngồi nghe trong phòng cũng ảnh hưởng đến cách thức cộng hưởng của phòng. Lối cộng hưởng đặc trưng sẽ tăng cường ở một số tần số nhất định, tạo nên đỉnh trong toàn bộ dải tần. Kết quả của hiện tượng này có thể khiến âm thanh trở nên thiếu tự nhiên, bị sai âm hoặc lùng bùng. Chỉ khi nào âm cộng hưởng của phòng được giới hạn, âm trầm của hệ thống mới trở nên chính xác, âm trung sẽ trong sáng hơn.

Điểm cần lưu ý khi đặt loa là khoảng cách từ loa đến bức tường phía sau càng xa, âm hình càng được cải thiện, đặc biệt theo chiều sâu. Do đó, nếu không bị giới hạn về chiều sâu của không gian phỏng, người chơi nên đặt loa cách tường sau tối thiểu 1,2m. Bên cạnh đó, một trong những điểm mà người nghe ít chú ý là độ cao của loa. Bởi không phải ngẫu nhiên mà ở độ cao khác nhau, loa có thể phát ra tông giọng không giống nhau. Dĩ nhiên, với mỗi cặp loa, nhà sản xuất sẽ khuyến cáo đặt ở độ cao nhất định để cặp loa cho chất âm cân bằng nhất.

Ngoài ra, việc tính toán độ chụm (góc nghiêng của loa hướng về phía người nghe) không chỉ ảnh hưởng đến độ cân bằng trong chất giọng mà còn tác động đến độ rộng của âm hình và độ chụm của âm thanh.

Cụ thể hơn, yếu tố quyết định chất lượng âm thanh xuất phát từ loa là mối quan về hình học giữa người nghe và hai loa (chưa kể các yếu tố của phòng nghe). Điều quan trọng nhất là người nghe ngồi chính giữa hai loa, tức là khoảng cách từ người nghe đến mỗi loa bằng nhau (người nghe và hai loa tạo thành hình tam giác cân). Khi đó, vị trí của người nghe được coi là điểm ngọt (sweet spot). Về cơ bản, đó là điểm nghe tối ưu, đón nhận nhiều chất lượng âm thanh phát ra từ hai loa với chất lượng tốt nhất. Khoảng cách từ người nghe đến hai loa nên dài hơn khoảng cách giữa hai loa đôi chút. Nếu không thực hiện được yêu cầu này, người chơi khó có thể khai thác được âm hình tốt nhất của hệ thống.

Việc điều chỉnh khoảng cách giữa hai loa đòi hỏi người nghe phải lựa chọn để hy sinh một trong hai yếu tố: âm hình và độ chụm của âm thanh. Cụ thể hơn, hai loa càng xa nhau (vị trí người nghe không đổi), âm hình càng có xu hướng mở rộng, song độ chụm của âm thanh trở nên mờ nhạt, thậm chí không tồn tại. Ngược lại, nếu đặt hai loa quá gần nhau, độ rộng của âm hình sẽ bị co lại, các chi tiết âm thanh cũng sẽ bị bó hẹp và bóp chặt, gây nên hiện tượng rối, nhiều hình âm.

Để giải quyết vấn đề này, người nghe còn một giải pháp khác là điều chỉnh góc nghiêng của loa. Ở một góc nghe phù hợp, cặp loa có thể tạo nên âm hình rộng với âm thanh chụm, gắn kết. Người chơi có thể thực hiện một số thao tác đơn giản để tìm ra vị trí, góc nghe tối ưu bằng cách giữ nguyên góc mở của loa và thay đổi vị trí ngồi nghe tiến lên hoặc lùi xuống trên một đường thẳng. Trong quá trình dịch chuyển và lắng nghe đó sẽ có một điểm mà ở đó âm thanh được tái tạo gắn kết, chặt chẽ, âm hình vững và ổn định. Thông thường, giọng hát của ca sĩ được mix sao cho nằm chính giữa sân khấu. Dựa vào đó, người chơi có thể sử dụng đĩa vocal để kiểm tra độ tập trung và cân bằng của âm hình. Tiếp tục hoàn thiện quá trình này, người nghe có thể đặt hai loa khá gần nhau, lắng nghe thật kỹ và xác định điểm chính giữa của âm hình. Dịch hai loa ra xa hơn một chút và tiếp tục lắng nghe. Liên tiếp lặp lại quá trình dịch chuyển/lắng nghe cho đến khi cảm nhận được khoảng chính giữa của âm hình trở nên rộng hơn, phân tán hơn, ít tập trung hơn, điều đó cho thấy người nghe đã chạm đến điểm giới hạn, bắt đầu vượt quá khoảng cách tối ưu giữa hai loa. Người nghe cần lưu ý, chỉ lắp chân đế nhọn cho loa sau khi tìm ra được vị trí tối ưu trong phòng nghe.

Một yếu tố rất đáng để người nghe cân nhắc là mối tương quan với phòng nghe. Vẫn có thể áp dụng nguyên lý “tương quan hình học” cho vị trí nghe và loa, song hãy thử nghiệm ở vị trí nghe gần loa (tương ứng khoảng cách giữa hai loa hẹp) và vị trí nghe cách xa loa (tương ứng khoảng cách giữa hai loa rộng) và so sánh. Thực tế, ở vị trí nghe xa hơn, các đặc tính âm học của phòng nghe sẽ tác động đến chất âm nhiều hơn so với vị trì nghe gần. Với vị trí ngồi gần loa, người chơi sẽ nghe được âm thanh trực tiếp từ loa nhiều hơn và tránh được nhiều âm phản xạ. Ở một số hệ thống, người nghe cần ngồi xa loa một khoảng cách nhất định để các loa con có thể tích hợp tối ưu với nhau. Nếu người nghe cảm nhận sự khác biệt quá rõ ràng với âm thanh phát ra từ mỗi loa con, từ các dải tần, thì họ cần gia tăng khoảng cách với hệ thống loa đó.

Theo Nghe Nhìn Việt Nam