Dàn âm thanh nhỏ nhỏ và nàng Meracus… Người đẹp bị bỏ quên

FBShare
Ghi nhớ trang

MBDMusikzimmer024
Hôm nay em phá lệ xin phép viết bài Review chia sẻ cái cảm giác tê lê mê, mặc dù đã sở hữu bộ âm thanh một thời gian nhưng đến nay mới viết… bở vì “văn em quá là hay, và chữ em thì quá là đẹp” .

Em bắt đầu “con đường” của mình bằng những cặp loa BS, em thích BS lắm, nhỏ gọn xinh xắn phù hợp mỹ thuật với căn phòng nhỏ bé của em, và em đặc biệt mê màu đen piano, sang trọng quý phái và bỏng bẩy. Nhớ lại những ngày đầu mới chơi, buổi tối không dám mở nhạc, sợ làm phiền ngừoi khác, nên em chỉ dám mở đèn lên và ngồi ngắm loa . Không biết mọi người có giống em không, chứ em nghe nhạc là bằng đủ tứ chi và 5 giác quan… sờ nhìn nghe ngửi …

Qua vài lần đổi tới đổi lui, vác loa này đi vác loa khác về … cuối cùng em cũng dừng chân với một cặp loa cột vô danh. Thật ra em ấy có tên, tên đẹp là khác… nhưng mà tại tên em ấy không mấy nổi bật nên cũng không khác “vô danh” là mấy. Cái tên dễ thương ấy là Sonic Amerigo. Nói đến hãng loa Sonic là nói đến ông Joachim Gerhard, ông vốn là kĩ sư trưởng của hãng Audio Phyics, một nhãn hiệu làm loa lớn của Đức. Thiết kế của Joachim Gerhard rất đặc trưng, trong những ngày ông còn ở Audio Physics các cặp loa của hãng luôn được ông đem 2 loa bass ra bên hông. Thiết kế này yêu cầu các cặp loa phải được đặt khá xa nhau, 2,5 m đến 3 m là những con số lý tưởng mà hãng đưa ra. Và khi mà cặp loa đã được đưa vào vị trí thích hợp… không gian mà những cặp loa audio physic tạo ra là tuyệt.

Không có nhiều kĩ sư làm loa, thông qua những sãn phẩm của mình mà cũng trở nên nổi tiếng… Người chơi loa audio physic trước đây thường đều biết cái tên Joachim Gerhard. Tên của ông từ từ sáng giá ngang với một thương hiệu… Vậy thì chuyện gì đến thì phải đến thôi, ông rời bỏ Audio physic và tự lập môn hộ. Hãng loa mới của Đức ra đời với cái tên Sonic. Trên các cặp loa đều khắc chữ made by Joachim Gerhard . Em nhớ không rõ là năm nào, ông Joachim Gerhard được vinh danh cùng cặp loa sonic allegria khi được bầu chọn là một trong 100 cặp loa hay nhất.

Một thời gian sau, hãng Sonic của ông được mua lại, ông cũng rời bỏ hãng và tiến vào nước Mỹ bằng một thương hiệu loa khác… Từ khi ông ra đi hãng loa Sonic chuyển hình thức kinh doanh, vừa là nhà sản xuất vừa là nhà bán hàng… cũng không biết cách làm này có đem lại khác biệt gì trong kinh doanh không? chỉ biết từ sau khi ông ra đi, loa do hãng sản xuất không được phép ghi dòng chữ made by Joachim Gerhard nữa. Hãng cũng đã sử dụng nhiều linh kiện phân tần không tốt bằng ngày xưa. Ở các forum đức, người ta chửi um sùm vì chuyện này . Em thật may mắn mua được một cặp Amerigo made by Joachim Gerhard.

Mỗi cặp loa ra đời đều có một câu chuyện … chỉ là có ai chịu kể cho mình nghe không thôi. Cặp loa của em cũng có một câu chuyện. Modell rất thành công của ông Joachim Gerhard có thể kể đến Allegra.
hero_intro
Sau khi Allegra ra đời đạt được nhiều thành công. Thì ông bắt đầu nghiên cứu một modell tiếp theo thay cho 2 loa bass chỉ bằng một loa bass duy nhất. Và giảm giá thành từ 5900 euro (Allegra) xuống còn 5200 euro, nhưng vẫn giữ được một hiệu quả tương tự. Model mới này được đặt tên Amerigo và có hình dáng như sau.
Sonics-Americo-Zeichnung-f630x378-ffffff-C-efedb311-14161866
Ông đã phát một thư mời, mời các kĩ sư âm thanh, những người yêu thích chế tạo loa đến xưởng làm việc của mình, để cùng nghiên cứu về bộ Linkwitz filter được dùng trong chiếc loa mới này. Project bắt đầu vào mùa xuân 2008. Một thời gian ngắn sau đó đã hoàn thành. Hình ảnh cặp loa ngày em lấy về, khi còn nằm dưới tầng hầm:
16062012218-1
Sau khi tìm được loa, em tìm Amp. Về chiếc amp này em xin gói gọn trong 2 từ thôi “đáng yêu”
20130102_2226551_zpsb5206480
20130102_2225211_zpsf7716994
em mê cái sắc vàng óng ánh, em càng mê cái màu đen tuyền, và em phải lòng cái âm thanh “kịch kịch” mỗi khi vặn nút xoay của âm ly. Em tìm cái amp cho mình rất rất lâu, vì lỗ tai em tuy dễ tính, nhưng con mắt thì hơi “khó chiều”.

Loa đã có, amp cũng có, chỉ thiếu cái nguồn phát. Một thời gian suy nghĩ xem nên lấy một bộ DAC hay một chiếc CDP … thật ra em thích sự nhỏ gọn, em không thích trong một căn phòng có quá nhiều thiết bị điện tử. Cho nên ngày xưa khi tìm amp em không nghĩ đến Pre-Power cũng không nghĩ đến Mono blocks, mà chỉ muốn tìm amp tích hợp. Cho nên bây giờ cũng vẫn giữa lựa chọn Transport-Dac và CDP, em vẫn muốn một chiếc CDP hơn. Mọi chuyển sẻ ổn thôi nếu em không nhìn thấy em ấy…. Yes, em ấy được ghi trên tiêu đề của em đó ạ: người đẹp bị bỏ quên Meracus.

Một cuốn tạp chí âm thanh trời ơi nào đó, năm phát hành nào nào đó cũng lâu rồi, vô tình tập trung được sự chú ý của em vì trên trang bìa của nó có hình một thiết bị rất “dễ thương”. Một chiếc amp Meracus
Meracus-Onesta
Mọi người có tin tình yêu sét đánh không ạ em tin đó :d

Cuối cùng, sau mấy năm (không nghĩ gì đến nó)… thì hôm nay em đã may mắn sở hửu được chiếc DAC Meracus, Những sản phẩm này ngày xưa sản xuất không được nhiều, và ngày nay thì lại càng không dễ dàng để có vì … hãng Meracus đã một đi không trở lại.
20130618_125400_zps14a869ef
20130618_125337_zpsd139ee28
sánh vai cùng người đẹp mbl
20130620_185858_zps0d4ab346
20130620_185804_zps59cfec47
20130620_211808_zps66351cae
20130621_112347_zpsce9f3128
Đôi lời nhận xét về âm thanh: Trước hết cặp loa Amerigo là một cặp loa thiên về “lý tính” thể hiện không gian rộng, đặc biệt là độ sâu của không gian rất tốt. Rất rất thích hợp cho những dòng nhạc nhiều nhạc cụ, rất thích hợp với classical, nhưng ngoài ra thì không có cá tính gì đặc biệt. Nếu dùng làm monitor thì chắc là vô cùng thích hợp. Như em được biết có một phòng lab sử dụng 5 cây Amerigo, để chỉnh các dòng nhạc đa kênh. Nếu em nhớ không lầm, thì cái phòng lab đó có liên quan đến Dolby.

Em test một bản nhạc kịch: Huế mậu thân do Quang Lê hát, có một đoạn thu lại âm thanh nhà cửa sụp đổ… Em vốn trước này nghe không qua DAC thì đã vô cùng ấn tượng với tiếng đất đá rơi vãi một hòn đá nhỏ chầm chậm lăn lăn về phía mình. Nay có DAC còn cảm nhận được cái sự sụp đỗ của một bức tường rõ ràng hơn bao giờ hết, đá rơi xuống văng đến phía trước, loan ra 2 bên và còn cảm nhận được bụi đất bay vào không khí. Là một cảm giác vô cùng rõ ràng!

Em lại test thể loại yêu thích của em: Celtic woman, Last rose of sommer. Nhạc nền vang nhè nhẹ, vocal nền nghe xa xa , rồi đột ngột tiếng Chloe và Lisa vang lên, giống như là xé toang tiếng nhạc nền và bước lên trước một bước để hát. Cảm nhận xa gần do hệ thống đem lại, rõ ràng như 1 +1 =2 vậy. Tuyệt!

Em lại tiếp tục nghe Như Quỳnh: ô dzeeee dở ẹt. “Điểm mạnh” của thu âm Việt Nam lòi ra hết rồi đây. Quá quá nhiều Reverb, trước nay em nghe không cũng thấy có nhưng chưa khi nào khó chịu như lần này, tiếng vang không hề làm nền cho giọng ca Như Quỳnh mà nuốt luôn giọng… em không nghe được hết 1 câu hát thì đã ngừng rồi.

Em nghe bản cuối cùng là Halleluja của bốn nghệ sĩ Espen Lind, Askil Holm, Alejandro Fuentes, Kurt Nilsen đây là phiên bản em thích nhất, thu live. Em chọn bản nhạc này vì em chủ ý muốn lắng nghe tiếng Reverb ban nãy trong CD Như Quỳnh, xem coi em có trách oan Như Quỳnh không. Trong hát live thì Reverb là điều đương nhiên, xem thử sự khó chịu ban nãy là do hệ thống tạo ra, hay là bản thu dở hơi của NQ…. 1 2 3… play… cái độ ngân làm cho dây đàn có cảm giác căng hơn, cái sự ngân làm nền khiến cho giọng ca nổi bật lên… làm cho bản thu live hay quá trời. CD này là CD em yêu thích nhất, nghe muốn mòn cả CD ra rồi, nhưng hôm nay là lần đầu em thấy phê như vậy.

Em không dùng CD-test nào để thử, mặc dù em có kha khá nhiều. Thử làm gì nữa khi đã thỏa mãn phải không ạ

Cảm ơn mọi người đã dành thời gian đọc bài viết dở hơi của em. Bài viết lấy ngẫu hứng từ một ngày thứ 6 trời nóng như đổ lửa, nhưng cái nóng may mắn được cứu vãn nhờ một cơn mưa bất chợt. Cảm ơn cơn mưa làm em có cảm hứng viết dài dòng như vầy. Em gọi bài viết là Review vì nó trong có vẻ như vậy nhưng thật ra… chỉ là phút bốc đồng của em, thích viết gì là viết. Thế nên nghiêm túc mà nói bài Review không có giá trị tham khảo. Chúc anh chị đọc vui vẻ và luôn hài lòng với giàn âm thanh của mình.
20130620_211525_zps20cb27f9

Theo HDVIETNAM