Tiêu Điểm
Leak TL/12 Point One – Ampli bất tử
Trong giới chơi âm thanh, Leak là một trong những cái tên được nhắc tới rất nhiều không chỉ bởi ở lịch sử phát triển mà còn bởi chất âm giàu cá tính pha lẫn sự ngọt ngào, mang lại những cảm xúc âm nhạc mà người chơi khó có thể tìm thấy ở một sản phẩm tương tự.
Lịch sử Leak
Thành lập từ năm 1934 nhưng phải đến năm 1948 Leak mới cho ra đời chiếc ampli bóng đèn Mono đầu tiên mang tên TL/12. Trước đó, Leak được biết đến là nhà sản xuất thiết bị phục vụ ngành công nghiệp cinema.
TL/12 liên tục nhận được đơn đặt hàng của nhiều nhà sản xuất, trong đó có Gaumont British Cinemas. Sau thế chiến II, các ampli này được lắp đặt ở một số rạp hát ở Dendy, Brighton và Australia… Từ đó về sau, thiết kế mạch này được áp dụng ở hầu hết các model ampli của Leak. Và Leak Point One là một trong những chiếc ampli mono chạy đèn điện tử được săn lùng nhiều nhất.
Đến tháng 3/1946, tờ Wireless World đã đăng một trang quảng cáo rằng chiếc ampli công suất “Type 15” có độ méo chưa tới 0,1% và cho công suất đầu ra tới 15W.
Bên cạnh đó, Leak Point One còn sở hữu một số chỉ số kỹ thuật đáng nể khác như: dải tần: 20Hz-20kHz; độ méo tiếng 0,2% /15W/60Hz; công suất đầu ra chạy chế độ Class A (sử dụng 2 đèn KT66).
Những thành tựu bước đầu
Phải nói rằng Leak Point One khá có duyên với các kỳ hội chợ, đặc biệt là tại kỳ hội chợ năm 1949 – Đây là kỳ hội chợ Audio Fair lần đầu tiên được tổ chức ngay sau Thế chiến II. Đây cũng là thời gian mà thị trường thiết bị tái tạo âm thanh chất lượng cao sử dụng trong nhà tại Mỹ phát triển nhanh chóng.
Rất nhiều nhà nghiên cứu đánh giá đây chính là thời kỳ Hoàng kim của ngành công nghiệp Audio tại thị trường này. Sự phát triển nhanh chóng này cũng đã có những ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển của ngành công nghiệp Audio nhiều thập kỷ về sau.
Sau đúng một năm ra mắt, Leak Point One đã phát triển rất mạnh tại thị trường Mỹ và trở thành biểu tượng cho thời kỳ mới của Hi-Fi. Cuối năm 1949, Harold Leak đã sử dụng nguồn vốn của công ty để chuẩn bị cho các khoản chi phí cần thiết tham gia hội chợ Audio Fair được tổ chức tại New York.
Hội chợ Audo Fair lần đầu tiên được tổ chức tại tầng 6 của khách sạn New Yorker đã quy tụ 56 đơn vị tham gia và thu hút hơn 1.500 khách tham dự. Bên cạnh Leak Point One, Harold Leak còn mang đến triển lãm này bộ mâm đĩa than Leak Dynamic Pickup tốc độ 78 và Loa Leak Two Ways 550 moving-coil.
Thật ra, đến với Audio Fair không phải là lần đầu tiên Harold Leak mang các sản phẩm của mình đi tham dự triển lãm. Trước đó, tại Audio Engineering tổ chức vào tháng 10/1949 Harold Leak cũng đã bắt đầu công cuộc tìm kiếm đối tác tại các kỳ triển lãm nhưng chưa đạt được thành công.
Thật bất ngờ, tại Audio Fair lần đầu tiên này, Harold Leak đã gặt hái được rất nhiều thành công từ Ampli TL/12. Người Mỹ cho rằng đây không chỉ là chiếc Ampli ấn tượng về chất lượng mà còn có kết cấu về chất âm cũng như khả năng trình diễn.
Nhờ đó, Leak đã xây dựng được hệ thống phân phối thông qua tập đoàn “British Industries Corporation”, một tập đoàn từ Mỹ chuyên nhập khẩu các thiết bị điện tử, âm thanh từ Anh (mâm quay đĩa Garrard, Ersin Multicore Solder, đèn điện tử Marconi/ Osram với tên nhãn hiệu là Genelex. Từ năm 1950 thêm thương hiệu loa Wharfedale).
Tại kỳ triển lãm thứ 2 của Audio Fair vào năm 1950 Leak vẫn tiếp tục mang tới đây Ampli TL/12 cùng với Pre-amp RC/PA và mâm đĩa than Garrard 731. Ngay sau triển lãm, chỉ trong 5 tháng đầu năm 1951 tổng số đơn đặt hàng của Leak đã gia tăng nhanh chóng với hơn 2.000 bộ TL/12 và Pre-amp RC/PA, chỉ tính riêng tại thị trường Mỹ.
Thậm chí ngay cả 2 kỳ hội chợ Audio Fair liên tiếp sau đó Harold Leak ngày càng trở nên nổi tiếng và gặt hái nhiều giải thưởng. Lúc này Ampli Leak TL/12 và Pre-ampli Leak Varislope cũng như mâm Garrard đã trở thành sản phẩm nổi tiếng trên toàn thế giới. TL/12 và Pre-ampli Leak Varislope cũng như mâm Garrard đã trở thành những sản phẩm nổi tiếng trên toàn thế giới.
Ampli Leak TL/12 Point One
Là tăng âm đèn điện tử công suất 12W với độ méo tiếng chỉ 0,1%, Ampli Leak TL12 được đánh giá là ampli đèn hay nhất của Anh quốc vào thời điểm này và cho tới tận ngày nay chiếc ampli “bất tử” này vẫn được các audiophile khắp thế giới săn lùng ráo riết.
Giá xuất xưởng của TL/12 lúc bấy giờ là 25,15 bảng Anh. Tuy nhiên, hiện để sở hữu Leak TL/12, bạn sẽ phải bỏ ra một số tiền gấp nhiều lần. Giá trung bình của Leak TL/12 trên eBay dao động từ 3.500 – 4.500USD, tùy theo tình trạng.
Thiết kế
Hình thức bên ngoài của Leak TL/12 rất đơn giản, nhỏ gọn theo các thiết kế truyền thống của người Anh lúc bấy giờ. TL/12 sử dụng mạch đẩy kéo 3 cực cho mạch công suất đầu ra, với điện áp anode là 400V. Độ méo tiếng là 0,1. Dải tần +/- 0,1dB 20Hz – 20 kHz.
Công suất đầu ra sử dụng 2 đèn KT66, một trong những bóng công suất hay nhất và có thể thua đèn Western Electric WE300B chút đỉnh.
Phần nguồn sử dụng tụ giấy dầu (oil-impregnated paper-dielectric capacitor) và các tụ nối tầng sử dụng tụ TCC “Metalpack” đã giúp cho TL/12 có được âm thanh tuyệt vời nhất, tạo ra sự khác biệt của Leak.
Có thể nói, Leak TL/12 đã được thiết kế rất siêu việt. Phần vỏ sử dụng thép lá dầy, được sơn phủ đồng hoặc sơn màu đồng và biến thế nguồn, biến thế xuất âm chất lượng cao. Những biến thế này được so sánh ngang hàng với các biến thế lừng danh của Western Electrics.
Âm thanh
Ampli TL12 Point One có phần công suất đầu ra chạy chế độ triode. Có độ méo nhỏ, công suất thực đạt tới 12W. Leak TL/12 Point One đặc biệt thích hợp với các dòng loa cổ độ nhạy trung bình trở lên.
Do chất âm của TL/12 rất ngọt ngào và “cổ xưa” nên Point One thường được các audiophile trên thế giới ghép cùng loa Roger LS3/5A, Dynaudio C1, JBL cổ đời 4 số, các loa Tannoy đồng trục, đặc biệt xuất sắc với Tannoy Wesminter Royal.
Với những người yêu thích âm nhạc có tiết tấu vừa và chậm, thể loại vocal thì đây chính là chiếc ampli cần tìm.
Ở Việt Nam, những người yêu thích Leak khá đông đảo. Một trong những người tiên phong, là chủ nhân của Stereo Holic – Lầu 2, số 41 – 43 Trần Cao Vân, Quận 1 , Tp.HCM, Leak Man – Lê Phương Lâm. Anh hiện là người sở hữu nhiều ampli, preampli Leak nhất Việt Nam. Anh có tới 4 ampli TL/12 nguyên bản, gần chục chiếc TL 20 Stereo, có cái còn nguyên thùng xốp, sách hướng dẫn sử dụng…
Để khôi phục được chất âm gốc của các ampli, preampli Leak, anh Lâm đã phải lặn lội nhiều nơi để tìm ra những linh kiện NOS chính hãng Anh quốc thời xưa để thay thế lại đúng theo nguyên bản ban đầu của ampli.
Chiếc ampli TL/12 mà anh Lâm đang sở hữu đã được chính tác giả của nó, H.J. Leak đánh giá là một trong những ampli hay nhất thế giới – đánh bại nhiều ampli đèn điện tử hiện đại ngày nay. Thậm chí, ngay cả Audio Note Gaku On huyền thoại cũng bị xếp sau khi phối ghép cùng Tannoy Wesminter Royal hay Altec Lansing A5, A7.
Ampli Leak Point One xứng đáng là một trong số rất ít ampli bóng đèn hay nhất mọi thời đại – một tượng đài không thể bị xô đổ.
Nguồn : Điện Tử Tiêu Dùng
- 100 BÀI TEST COLLECTION 23 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )
- 100 BÀI TEST COLLECTION 22 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )
- 100 BÀI TEST COLLECTION 21 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )
- 100 BÀI TEST COLLECTION 20 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )
- 100 BÀI TEST COLLECTION 19 ( Giá Mua Link Tải: 100,000 VND )