Làm thế nào để lựa chọn một chiếc receiver hợp lý? (Phần 2)

FBShare
Ghi nhớ trang

receiver

 

 >> Làm thế nào để lựa chọn một chiếc receiver hợp lý? (Phần 1)

Kết nối: Tiện lợi và không sớm bị lỗi thời

HDMI:

Là một giải pháp kết nối A/V phổ biến nhất hiện nay. Nó có thể chuyển tải âm thanh lẫn hình ảnh có độ nét cao giữa các thiết bị mà không làm suy yếu tín hiệu. Tất nhiên là HDMI phát triển đã khá lâu và có nhiều phiên bản xuất hiện, trong đó HDMI 1.4 là chuẩn mới nhất, có thể hỗ trợ video, Audio Return Channel (ARC) và Ethernet. Một lời khuyên chân thành đó là nên chọn một receiver có nhiều cổng HDMI hơn nhu cầu hiện tại, bởi nó sẽ rất hữu ích trong tương lai khi mà bạn muốn phát triển thiết bị nghe nhìn của mình.

Video Conversion và Video Upscaling: 

Từng được coi là các tính năng chỉ có trên các receiver cao cấp, tuy nhiên hiện nay chúng đã trở nên phổ biến hơn, thậm chí còn xuất hiện trên một số model phổ thông. 

Video conversion (hay transcoding):

Tính năng này cho phép bạn kết nối tín hiệu analog composite hoặc component video và chuyển đổi chúng sang tín hiệu digital để có thể truyền tải thông qua một cáp HDMI duy nhất. Lợi thế ở đây đó là bạn có thể kết nối tất cả mọi thứ vào receiver và gửi chúng lên TV thông qua một sợi cáp.

Video Upscaling: 

Upscaling là tính năng giúp chuyển các tín hiệu video có độ phân giải thấp lên độ phân giải cao hơn để xem trên HDTV của bạn. Các tín hiệu sau khi được Upscaling không phải là độ nét cao thực sự, nhưng hình ảnh nhận được trên chiếc TV của bạn trông sẽ đẹp hơn một chút. Tất nhiên, chất lượng của Upscaling có liên quan trực tiếp đến chất lượng chip xử lý (giống như DAC). Nếu tính năng này thực sự quan trọng, thì bạn nên kiểm tra các bài đánh giá, xem những người dùng trước nói gì về chiếc receiver mà bạn đang muốn sắm.

Ngoài receiver, rất nhiều HDTV và các thiết bị phát khác hiện nay đã được tích hợp sẵn tính năng này. Do đó nếu đang sở hữu một chiếc TV hay đầu đĩa như vậy, bạn cũng không nên đề cao Upscaling quá.

HDMI Standby Pass-Through:

Đây là một tính năng rất hữu ích thường được nhiều người bỏ qua. Tính năng Standby Pass-Through cho phép truyền tải bất kỳ dữ liệu nào lên chiếc TV của bạn thông qua cổng HDMI ngay cả khi receiver đã tắt. Bằng cách này, bạn vẫn có thể xem “Ai là triệu phú” mà không nhất thiết phải khởi động receiver và hệ thống loa khủng của mình.

Audio Return Channel:

Trong hệ thống nghe nhìn, tính năng ARC (Audio Return Channel) của receiver sẽ giúp nó có thể “ăn” được các dữ liệu từ TV. Thỉnh thoảng ARC cúng phát huy tác dụng, như khi bạn xem các chương trình cục bộ hoặc sử dụng các ứng dụng Internet trên HDTV, tính năng này sẽ cho phép các tín hiệu từ TV qua receiver và đi thẳng vào hệ thống âm thanh của bạn.

Ethernet:

Cổng Ethernet cho phép receiver của bạn có thể cập nhật firmware, truy cập Internet Radio hay truy cập các nội dung trong mạng gia đình.

WiFi:

Một số receiver hiện nay được tích hợp WiFi Adapter để truy cập internet và các nội dung đa phương tiện, nhưng hầu hết chúng vẫn tồn tại ở dạng.. cao cấp. Tuy nhiên rất may đó là các bộ Adapter gắn ngoài có thể thay thế nhiệm vụ này một cách hoàn hảo thông qua cổng ethernet hoặc USB.

USB:

Ngày càng có thêm nhiều model receiver được trang bị các cổng USB bởi sự tiện lợi mà nó mang lại. Một số chỉ được thiết kế đơn giản để duyệt ảnh, chơi nhạc hoặc xem video từ ổ đĩa gắn ngoài. Một số khác lại được thiết kế tương thích với iPod và iPhone.

Nội dung đa phương tiện:

DLNA:

DLNA là từ viết tắt của Digital Living Network Alliance và được tạo ra nhằm để việc chia sẻ hình ảnh, âm nhạc và video giữa các thiết bị kỹ thuật số trở nên dễ dàng hơn. Hiện nay, rất nhiều sản phẩm trên thị trường đã được cấp chứng nhận DLNA như TV, Blu-ray player và tất nhiên là cả receiver nữa. Tính năng này sẽ giúp bạn có thể truy cập và chia sẻ dữ liệu số trên bất kỳ máy tính nội mạng nào (Home Network), tất nhiên là phải bật chế độ Sharing. Theo kinh nghiệm thì khi thư viện của bạn lớn, các thiết bị DLNA có xu hướng hoạt động khá chậm và giao diện tích hợp của receiver sẽ có rất nhiều việc để làm nếu muốn truy cập network media.

Dù sao đi nữa thì DLNA vẫn là một ý tưởng tuyệt vời, mặc dù nó vẫn chưa thực sự hoàn hảo tại thời điểm này.

Apple Airplay:

Được trang bị tính năng này, receiver của bạn có thể xử lý video, âm nhạc và hình ảnh từ bất kỳ thiết bị nào hỗ trợ Airplay hoặc từ iTunes. Âm thanh truyền tải qua chuẩn này có chất lượng khá tốt và dễ dàng sử dụng. Aiplay đang được sử dụng ngày càng nhiều, đặc biệt là các model cao cấp và model mới hoặc xuất hiện gần đây như là một bản nâng cấp của năm 2010.

Internet Radio: 

Trên mạng internet hiện nay có rất nhiều kênh radio có sẵn và hầu hết các receiver hỗ trợ network đều cho phép bạn truy cập vào đó. Tuy nhiên, phần lớn chất lượng âm thanh của Internet Radio khá tệ hại. Điểm nổi bật ở đây là thư viện cách kênh rất lớn và đa dạng, thậm chí thỉnh thoảng bạn cũng sẽ tìm thấy được một vài kênh có bitrate khá cao.

Mutil-room:

Multi-room audio/video:

Rất nhiều receiver hỗ trợ khuếch đại tín hiệu âm thanh và thậm chí là hình ảnh cho các phòng khác trong nhà, ngoài phòng nghe chính. Điều này sẽ rất tuyệt nếu như bạn đang có ý định phục vụ âm nhạc miễn phí cho “gấu yêu”ở ngoài trời, phòng rec, phòng ngủ hay thậm chí là phòng ăn. 

Hầu hết các receiver đều cho phép thiết lập cho một căn phòng chính và các thiết lập phụ cho các căn phòng khác. Tuy nhiên, không phải khi nào tính năng này cũng hoạt động tốt cho dù các thông số trên receiver đều nói rằng nó hỗ trợ cho phòng nghe thứ 2 hoặc thứ 3.

Hỗ trợ Surround: 

Nhiều receiver được tích hợp sẵn một hoặc nhiều kênh surround vào trong tín hiệu âm thanh khuếch đại truyền đi ở phòng khác. Điều này có nghĩa là bạn không cần trang bị một cặp loa surround cho phòng phụ.

Remote: 

Ngoài các tính năng liên quan đến âm thanh, bạn nên xem xét khả năng hỗ trợ remote ở các khu vực khác. Nếu sợ ma, Remote phụ sẽ giúp bạn kiểm soát volume và nguồn phát một cách dễ dàng, để không bị mò mẫm trong đêm tối chỉ để vặn nhỏ nhạc lại.

Nghe thử:

Sau khi được trang bị một phần nào kiến thức, bạn sẽ bắt tay vào việc lựa chọn một chiếc receiver trong danh sách mà mình đã tuyển. Ở giai đoạn này, “đôi tai” sẽ là yếu tố sẽ quyết định thành công hay thất bại, xin đưa ra một vài lời khuyên như sau:

Nghe thử tại điểm bán hàng:

“Check hàng” ngay tại nhà bạn chắc chắn sẽ đem lại kết quả chính xác nhất, tuy nhiên trước đó thì bạn sẽ phải check ngay tại cửa hàng. Điều này cũng tốt thôi, nhưng hãy nhớ rằng các phòng trưng bày được thiết kế và xử lý âm học rất tốt, vị trí đặt loa, vị trí ghế ngồi chính xác, các tấm tiêu âm và các phụ kiện điện tử chuyên dụng. Nếu kinh tế không thuộc loại khá giả thì phòng nghe nhìn của bạn khó mà đạt tới “tầm” như thế. Do đó chúng ta nên cố gắng tìm ra điểm khác nhau rất nhỏ về chất lượng âm thanh mà mình nghe được giữa các receiver. 

Chọn những chiếc loa tương tự như ở nhà sẽ giúp bạn hình dung tốt hơn về khả năng phối ghép với hệ thống của bạn. Nếu sở hữu bookshelf với soft-dome tweetter, hãy tìm những chiếc loa tương tự; còn nếu đang dùng một cặp tower với tweeter dome kim loại thì cũng nên tìm những chiếc như thế để thử…

Việc “check hàng” cũng nên tiến hành ở cả chế độ nghe nhạc lẫn xem phim. Bởi có rất nhiều receiver xem phim rất tốt nhưng nghe nhạc lại dở và ngược lại.

Một điểm chú ý nữa đó là bạn nên rủ thêm một vài người bạn nữa đi cùng mình, để nghe và đánh giá một cách khách quan hơn.

Chính sách bán hàng:

Như đã nói ở trên, việc nghe thử sẽ chỉ thu được một kết quả chính xác khi diễn ra trong phòng nghe nhìn của bạn, với một bộ loa, một chiếc sofa, ly rượu và đôi mắt lim dim. Do đó, hãy cố gắng tìm một cửa hàng cho phép bạn trả/đổi sản phẩm sau đó nếu không thích.

Theo eCousticsDigitalstrends