AVM: Nơi giao thoa giữa hiện thực và lãng mạn

FBShare
Ghi nhớ trang

Với 30 năm kinh nghiệm làm việc tại Burmester, vị cựu CEO Udo Besser của thương hiệu ultra hi-end sau khi chuyển qua AVM, đã khiến thương hiệu phổ thông của Đức này “lột xác” để trở thành một trong những hãng hi-end đáng nể, với các dòng sản phẩm thành công như Inspiration, Ovation, và đặc biệt là Evolution. Các thiết bị của AVM không chỉ nổi tiếng bởi sự chính xác, trung thực khi tái tạo âm thanh mà còn vô cùng lãng mạn và tinh tế trong việc truyền tải cảm xúc âm nhạc.

Đơn giản, tự nhiên

avm_sa8_2_silver_uyap

Hiếm có một hãng điện tử nào trên thế giới lại chơi “bao sân” như AVM, với các dòng sản phẩm gần như phủ kín thị trường thiết bị audio từ phần nguồn như đầu phát CD, DAC, mâm đĩa than, cho tới thiết bị khuếch đại (power ampli, pre ampli, intergrated ampli), hay nguồn phát tổng hợp được tích hợp ampli (receiver C8).

Triết lý chế tạo của AVM chỉ đơn giản xuất phát từ thực tế, dẫu cho thiết bị được sử dụng là loa, ampli hay đầu đọc thì mục đích cuối cùng của chúng cũng phải là chuyển tải thành công cảm xúc của âm nhạc tới “cõi riêng” của mỗi audiophile thông qua con đường ngắn, đơn giản và chính xác nhất, cho dù các dữ liệu âm nhạc được lưu trữ trên băng từ, đĩa laser, ổ cứng hay phát từ sóng radio.

Trên thực tế, công việc tái tạo không hề đơn giản bởi bất kỳ một thiết bị điện tử nào cũng để lại dấu ấn riêng của chúng khi phục dựng các tín hiệu âm nhạc đã qua mã hóa. Do vậy, trong quá trình chế tạo thiết bị, các kỹ sư của AVM luôn tìm cách tối thiểu hóa “dấu ấn” này và tối đa hóa thông điệp âm nhạc gốc, với mong muốn mang tới cảm xúc âm nhạc trọn vẹn cho người nghe.

Trong vài thập niên qua, AVM đã nổi tiếng khắp nước Đức về công nghệ chế tạo đầu đọc CD, khi mà có những thời điểm tới 40% audiophile Đức từng sở hữu CD player của hãng. Với xu thế computer audio đang nhanh chóng được phổ biến, bên cạnh các sản phẩm CD player truyền thống, AVM cũng đang tập trung phát triển mảng computer audio với các thiết bị hàng đầu.

Trước khi bắt đầu thiết kế mạch điện tử hoặc các chi tiết máy, AVM luôn tìm cách tối ưu hóa những linh kiện điện tử thông thường để hướng tới một dòng sản phẩm ít sai lỗi nhất, đồng thời tái tạo âm thanh hi-fi tốt nhất trong khả năng có thể. Do đó, trong các sản phẩm của AVM, không xuất hiện những mạch điện hoặc các chi tiết thừa dẫn tới sự xuất hiện của hàng loạt các linh kiện phức tạp khác mà mục đích chỉ để khắc phục điểm yếu của lỗi thiết kế.

Các kỹ sư của AVM ưu tiên sử dụng mạch đơn giản, trực tiếp mà ở đó, mỗi cấu kiện sẽ thực hiện chức năng chuyên biệt với hiệu suất cao nhất. Nguyên tắc thiết kế này dựa trên khái niệm về mạch điện đơn giản nhất lại chính là mạch có chất lượng cao nhất. Triết lý này đã giúp cho các sản phẩm của AVM hạn chế được tối đa sai lỗi và giảm thiểu chi phí sản xuất, dẫn tới giá bán hợp lý, bởi linh kiện được sử dụng rất chọn lọc.

Mặt khác, ở khía cạnh hình thức, sản phẩm hi-fi không đơn thuần chỉ là thành tựu của công nghệ, mà nó còn là một vật dụng được trưng trổ ở những vị trí đặc biệt trong ngôi nhà của audiophile. Chính vì thế mà các sản phẩm của AVM, dù ở bất kỳ phân đoạn nào cũng có hình thức bắt mắt, sang trọng và trong con mắt nhà nghề thì chúng rất “hi-end”!

Đón đầu xu hướng

Nếu như trước đây, người ta quen nghe nhạc với những màu sắc bị lạm dụng như dải trung trầm phải trội để tiếng được ấm, âm treble phải thật đanh hay trung âm phải đặc quánh lại…, để phục vụ một số bản ghi theo công nghệ cũ, và với lối nghe hoài cổ thì giờ đây, cách thưởng thức âm nhạc của giới chơi âm thanh cũng có những biến chuyển đáng kể mà tự trung lại là hướng đến âm nhạc tự nhiên.Việc thay đổi phong cách, gu nghe chủ yếu xuất phát từ 3 yếu tố dưới đây.

Thứ nhất là sự phát triển của các thể loại âm nhạc với những biến thể của new age, classical crossover, contemporary jazz,… cho phép người nghe không chỉ tiếp xúc với âm nhạc dưới một lăng kính khác, mà còn cả một nền công nghệ hòa âm phối khí vô cùng hiện đại với các hiệu ứng âm thanh đặc sắc, ảo diệu.

Thứ hai là công nghệ ghi âm đang ở một trình độ tiên tiến chưa từng có và không ngừng phát triển, cho phép lưu trữ tối đa các dữ liệu âm thanh trên một định dạng đĩa laser hoặc các file nhạc lossless chất lượng cao DSD, thậm chí là cả LP cũng được sản xuất theo công nghệ mới cho độ động, độ chi tiết và không gian vượt trội.

Udo Besser sau khi cống hiến trên 30 năm với cương vị CEO của thương hiệu audio hi-end lừng danh Burmester, đã tách ra và mua lại một phần AVM – thương hiệu audio lớn và giàu truyền thống của nước Đức. Chỉ trong vòng vài năm, Udo đã biến AVM từ hãng sản xuất thiết bị tốt, nhưng ở phân khúc phổ thông thành hãng chuyên chế tác sản phẩm cao cấp. Sau khi AVM nhanh chóng gặt hái thành công ở phân khúc cao hơn, Udo đã mua lại toàn bộ thương hiệu này và cùng kỹ sư trưởng tài năng Gunther Mania tập trung phát triển AVM như một thương hiệu hi-end có tính cạnh tranh cao với triết lý: âm thanh hi-end, giá mềm!

Thứ ba, và có vai trò then chốt là việc decode (giải mã) và khuếch đại các track nhạc sau khi đã được lưu vào các định dạng khác nhau. Nhiệm vụ này thuộc về các nhà sản xuất phần cứng, mà AVM là một trong những thương hiệu đang tích cực đón đầu xu hướng. Các thiết bị của hãng đều được sản xuất mang tính đồng bộ, có hệ thống, theo một logíc rõ ràng nhằm hướng đến việc tái tạo âm thanh chất lượng cao với hàm lượng nghệ thuật cao. Các thiết bị nguồn phát của AVM ở mọi series, đều được trang bị những bộ giải mã chất lượng thuộc hàng “đỉnh”. Ngay cả với một thiết bị “all-in-one” như receiver C8 cũng có thể chuyển đổi bất cứ một nguồn âm digital nào sang định dạng 192kHz/24bit – đủ thỏa mãn những đôi tai khó tính.

Nhìn vào 3 dòng sản phẩm chủ đạo của AVM, từ thấp đến cao gồm Inspiration, Evolutionvà Ovation, có thể thấy nhà sản xuất đã “sắp đặt” một cuộc dạo chơi đầy lý thú cho các audiophile trong khu vườn nghệ thuật với các cung bậc cảm xúc và thẩm thấu âm nhạc ở các tầng nấc khác nhau.

Inspiration: Khơi nguồn cảm xúc

Một sự khởi đầu nhẹ nhàng, đơn giản nhưng không kém phần thú vị dành cho những người mới làm quen với thế giới audio chính là series Inspiration với 2 model C8 và CS2.2. Trong đó, C8 là sản phẩm thành công nhất, từng nhận giải thưởng “Sản phẩm của năm” do tạp chí The Absolute Sound bình chọn. Quan niệm rằng tất cả các thiết bị all-in-one chỉ là đồ… bỏ của những tay mơ giờ đã “xưa như diễm”. Bởi all-in-one “qua tay” những cao thủ âm thanh như AVM, Naim, Meridian hay Linn… chỉ là khái niệm về tiện ích và công năng. Về mặt chất lượng, các thiết bị thuộc những thương hiệu này luôn được giữ ở tầm hi-end, vốn gen quý về âm thanh vẫn luôn được duy trì ổn định.

avm_a32_integrated_amplifier_destination_hifi_best_price_silver_1024x1024_qius

Hẳn người chơi nhạc không xa lạ với thiết bị receiver (không phải ampli đa kênh xem phim), nhất là những ai từng set-up những hệ thống vintage để nghe nhạc xưa, thường gồm một cặp loa cổ, một receiver (ampli, pre ampli kiêm turner có thể bắt sóng AM) cùng một đầu phát băng cối (reel to reel). C8 cũng là một thiết bị như vậy, duy có điều, chiếc hộp nhỏ nặng vỏn vẹn 8kg này như một chứng nhân lịch sử của nền công nghiệp audio bởi với nó, người ta có thể dùng để nghe nhạc từ nguồn phát đĩa than trên những bản ghi từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước qua ngõ phono, hoặc trực tiếp đọc CD được nâng lên chuẩn 192kHz/24bit cho âm thanh gần với chất lượng từ phòng thu, hay nghe nhạc và các chương trình phát thanh từ đài FM. Ngoài ra, nếu người chơi có nguồn phát nhạc lossless thì C8 đã có sẵn ngõ vào USB cho định dạng này. C8 cũng hết sức “tân thời” với cổng riêng dành cho iPod hay các thiết bị nghe nhạc di động tương đương. Túm lại, C8 không bỏ qua bất kỳ một định dạng âm thanh nào, kể từ thời “hồng hoang” của nền công nghiệp ghi âm cho tới nay. Bên cạnh đó, là receiver nên C8 được tích hợp sẵn một ampli có công suất thuộc loại lớn so với các thiết bị all-in-one, tương đương 100 w/kênh 8 Ohms, hay lên tới 150 w/kênh 4 Ohms. Với công suất cỡ này, C8 đủ sức chơi tốt với nhiều đôi loa hay trên thị trường.

Công thức thành công của AVM gồm nguyên lý thiết kế đơn giản nhưng hiệu quả, công nghệ chế tạo cơ khí-điện tử chính xác hàng đầu thế giới và cuối cùng, nhưng rất quan trọng là vốn gen âm nhạc, tâm hồn nghệ sỹ sẵn có trong mỗi con người ở đất nước được coi là cái nôi của nền âm nhạc cổ điển, nơi sản sinh ra Sebastian Bach, Luis Van Beethoven, Felix Mendelssohn…

Hướng đến những audiphile hi-tech, receiver thế hệ mới Inspiration CS2.2 được bổ sung thêm tính năng streaming hướng đến các kết nối mạng không dây giúp mở rộng nguồn phát đến mức tối đa. Với receiver này, ngoài các nguồn nhạc truyền thống, audiophile có thể thưởng thức một “biển” nhạc qua kết nối không dây. Có thể nghe Web Radio/ Internet Radio với số lượng đài phát cực lớn và chất lượng ngày càng được nâng cao, ngoài ra, cũng có thể thưởng thức bất kỳ các file media từ các máy tính, thiết bị cầm tay tại gia có cùng kết nối mạng qua giao thức DLNA. Đặc biệt, receiver này cũng cho phép phát nhạc qua ổ cứng NAS không dây, một xu hướng nghe nhạc hi-end tiện dụng đang rất thịnh hành cùng với sự “xâm lấn” của định dạng nhạc số độ phân giải cao AIFF, WAV, FLAC, ALC… hỗ trợ tối đa lên đến 192kHZ/32Bit.

Evolution: Lãng du ca

Đáp ứng những audiophile có đòi hỏi khắt khe hơn nữa về âm thanh, cũng như yêu cầu phối ghép đa dạng, AVM đã phát triển dòng sản phẩm chiến lược Evolution gồm chủng loại sản phẩm rất phong phú. Chỉ riêng dòng Evolution đã bao gồm phần lớn tất cả các thiết bị điện tử có thể xuất hiện trong một hệ thống audio, từ pre amp PA3.2, ampli công suất MA3.2S, ampl tích hợp mạch bán dẫn A5.2, ampli tích hợp mạch lai A5.2T (sử dụng đèn ECC83S cho tầng pre), đầu đọc CD5.2, receiver C9, DAC SD 5.2… AVM Evolution với tổng cộng 13 thiết bị khác nhau, được chia làm 3 mảng khuếch đại, nguồn digital và receiver, tùy nhu cầu phối ghép, tầm tiền cũng như “khẩu vị” âm thanh để người chơi có thể chọn cho mình một thiết bị phù hợp nhất.

avm_c9_cd_receiver_destination_hifi_best_price_silver_zyws

Điểm đáng chú ý của AVM Evolution là sự kết hợp giữa mạch khuếch đại Class D với công nghệ đèn điện tử vào những thiết kế khuếch đại lẫn nguồn phát và DAC. Sự kết hợp này mang lại những màn trình diễn có sự bỗ trợ rất nhuyễn giữa đặc tính chính xác, chuẩn mực của âm thanh Đức và hương vị đầy xúc cảm của chất âm từ đèn. Hai ngôi sao của dòng AVM Evolution tiêu biểu cho thiết kế lai kết hợp “tube” là ampli tích hợp 200W/kênh (8ohm) A5.2T và đầu đọc/DAC tích hợp USB input Evolution CD5.2. Chúng tôi cũng đã có dịp trải nghiệm bộ đôi này với kết quả ấn tượng, những màn trình diễn có đủ độ nặng, độ động, đồng thời mang lại những ưu điểm về mặt âm hình “holographic”, độ trung thực của đèn điện tử, điều đáng nói ở thiết kế lai này đó chính là sự cân bằng ở mức hợp lí, không quá lạm dụng chất tube, âm thanh không bị quá màu, quá “ướt”.

Với những hệ thống loa đòi hỏi công suất lẫn khả năng kiểm soát âm thanh, bộ đôi poweramp monoblock MA 3.2S và preamp PA3.2 là một lựa chọn tốt nhất trong dòng Evolution. Poweramp MA3.2S có thiết kế monoblock được tối ưu phần nguồn với hai bộ power supply riêng biệt cho tầng vào và tầng công suất để bảo toàn về mặt lượng và độ chi tiết của tín hiệu âm thanh. Sử dụng mạch công suất Class D với hiệu suất 90%, poweramp MA3.2 gần như không kén bất kỳ đôi loa nào trên thị trường với công suất đầu ra lên đến 420W/kênh.

Ovation: Thăng hoa

Với tổng cộng 5 sản phẩm, Ovation là dòng thiết bị đầu bảng của AVM, có thể nói đây là những tác phẩm tâm đắc nhất của Udo Besser. Đặt mục tiêu cạnh tranh với những thương hiệu hàng đầu khác và hơn hết là đáp ứng những yêu cầu trải nghiệm âm thanh khó tính nhất. Các ampli dòng Ovation đều chạy class AB, nhưng theo mạch độc quyền của AVM nên có âm thanh tự nhiên tương đương với các ampli class A thông thường và có hiệu suất cao hơn hẳn.

avm_ovation_ma82_wmjk

Tìm hiểu rõ hơn về hai bộ đôi ampli mono/stereo OVATION MA8.2/SA8.2, những thiết kế khuếch đại này có thể “trị” những đôi loa khó tính nhất với công suất đầu ra 1200W/kênh (mono) và 600Wkênh (stereo). Không chỉ trình diễn tốt ở mức âm lượng lớn, poweramp Ovation vẫn có thể vẽ được một bức tranh âm thanh đầy đủ và có chiều sâu ở volume vừa và nhỏ, đó cũng là đặc tính chỉ có ở những ampli với thiết kế mạch được tối ưu vào hạng tham chiếu. Poweramp MA8.2 có bộ powersupply sở hữu đến 4 biến thế (2x1000VA, 2×120 VA) được bọc kín trong hộp kim loại giúp chống nhiễu rung cơ học và nhiễu điện từ. Hệ thống tụ lên đến 200.000uF cung cấp năng lượng cho 24 sò FET/kênh cho phép Ovation MA8.2 tải dòng ra lên đến con số đáng nể 180ampe. Với dòng ra lớn, có thể nói, ampli Ovation có thiết kế mạch rất gần với Class A nhưng có hiệu suất tốt hơn hẳn và vẫn đảm bảo chất âm trung thực đặc trưng.

Preamp Ovation PA8 là một thiết kế tiền khuếch đại có cấu trúc moudule cả ở phần đầu vào và đầu ra. Người dùng có thể chọn đến 8 bo input khác nhau từ RCA, XLR, Phono… cho đến bo mạch DAC, bên cạnh đó, preamp cũng cho phép thiết lập đến tối đa 3 cổng out RCA/XLR. Udo cùng đội ngũ thiết kế của mình đã “đẩy” preamp PA8 đến giới hạn của sự hoàn hảo bằng những cải tiến ở phần nguồn và nâng cấp cho toàn bộ linh kiện bên trong kể cả những con trở bé nhất. Và tất nhiên, AVM cũng cho phép tùy chọn mạch output sử dụng bóng đèn điện tử với mạch single-end lẫn balance.

Dòng Ovation có duy nhất một thiết kế đầu đọc nhưng với 3 phiên bản là CD8, CD8T và CD8D. Trong đó CD8 và CD8T có thiết kế rất gần nhau, có cùng số lượng đầu vào và đầu ra, riêng phiên bản CD8T sở hữu mạch khuếch đại đầu ra Ovation Tube Line Stage chạy đèn điện tử. Trong trường hợp người dùng đã tích hợp module vào preamp PA8 và chỉ cần thêm một đầu cơ transport thì CD8D sẽ là lựa chọn phù hợp nhất.

Với sự xuất hiện chính thức của AVM tại Việt Nam cùng 3 dòng sản phẩm có công nghệ độc đáo, âm thanh tự nhiên và hình thức hấp dẫn, giới audiophile Việt Nam sẽ thêm cơ hội để thăng hoa trong thế giới của âm nhạc với những phối ghép có sự góp mặt của các sản phẩm giàu truyền thống tới từ nước Đức.

Nguồn : Nghe Nhìn Việt Nam