Xuân Phú, nỗi đam mê phòng trà

FBShare
Ghi nhớ trang

Có một điều rất lạ nơi trường hợp của Xuân Phú là tuy anh đã đi hát từ khá lâu nay, đã từng ghi âm gần 10 album, nhưng tiếng hát này vẫn không nổi đình nổi đám. Nơi Xuân Phú, dường như không có tham vọng trở thành một ngôi sao ca nhạc, mà chỉ đeo đuổi từng bước niềm vui ca hát

Sinh trưởng tại thành phố Đà Lạt trong một gia đình nghèo, Xuân Phú năm nay đã ngoài 30 tuổi và niềm đam mê ca hát đến với anh một cách rất tự nhiên. Thời niên thiếu, Xuân Phú thường xuyên đi hát trong các chương trình ca nhạc của đài truyền hình tỉnh Lâm Đồng, nhưng khác với nhiều bạn trẻ cùng trang lứa, anh không nuôi mộng trở thành ca sĩ, làm giàu nhờ nghề biểu diễn sân khấu. Sau trung học phổ thông, Xuân Phú không có đủ điều kiện để lên đại học, anh bỏ con đường học vấn, bắt đầu bươn chải kiếm sống, cuộc sống gia đình anh khá chật vật nên anh đi làm thêm để phụ giúp thêm.

Xuân Phú quyết định bỏ ngang công việc sau khi anh tình cờ gặp gỡ nghệ sĩ Thành Lộc tại một phòng trà ở Đà Lạt. Nhờ vào sự khuyến khích của bậc đàn anh, Xuân Phú khăn gói vào Sài Gòn để lập nghiệp, thử sức mình với nghề ca hát. Những bước đầu trong sự nghiệp vô vàn khó khăn, nhưng cũng may là anh đã được nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Bảo Chấn, Hồng Dung dìu dắt và hướng dẫn. Xuân Phú bắt đầu đi hát ở phòng trà, chất giọng trung trầm nồng ấm của anh với nhiều nét giống như Tuấn Ngọc, đã nhanh chóng chinh phục người nghe. Lượng khán giả ở đây không đông đảo nhưng lại rất trung thành.

Vào thời điểm những năm cuối thập niên 90 tại Sài Gòn, các tụ điểm phòng trà vẫn chưa thịnh hành như những năm sau này, nhưng Xuân Phú vẫn đi hát hàng đêm để kiếm sống, khi dư được một chút tiền, anh lại để dành để ghi âm CD. Một gương mặt hiền hòa, trẻ trung nhưng lại chuyên hát dòng nhạc tiền chiến, những bản tình ca lãng mạn, nhắm vào đối tượng trung niên thích nhớ về những khung trời kỷ niệm.

Cuối năm 2002, Xuân Phú được mời về hát cho phòng trà Tiếng Tơ Đồng. Đây cũng là nơi mà Quang Dũng đã từng đi hát nhiều năm. Cũng một phong cách, cùng một hướng đi nhưng sau đó giọng ca Quang Dũng lại nổi như sóng cồn. Còn Xuân Phú thì vẫn một mình với nghiệp hát phòng trà cho dù phải công nhận rằng từ khoảng thời gian này trở đi, tiếng hát của anh được biết đến nhiều hơn. Anh được mời tham gia nhiều chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp, các đêm trình diễn nhạc theo chuyên đề : tác giả và tác phẩm.

Trước khi có phong trào khoác áo mới cho những tình khúc vang bóng một thời, tên tuổi của Xuân Phú đã gắn liền với dòng nhạc xưa, chất chứa bao hoài niệm. Tuy chưa già, nhưng anh có đủ sự trải nghiệm từ cuộc sống, nên có thể chuyển tải được nhiều cung bậc cảm xúc đến người nghe.  Xuân Phú hát khá nhiều tác giả, nhưng nổi trội hơn cả với dòng nhạc Ngô Thụy Miên, Nguyễn Ánh 9 và với những ca khúc sâu lắng trầm buồn, sáng tác ở điệu mi thứ.

Tính đến nay, Xuân Phú đã cho ra mắt 10 album kể cả những tuyển tập chọn lọc.  Nhưng khi được hỏi vì sao Xuân Phú không nổi danh hơn thế nữa cho dù nơi anh đều có cả hai tiêu chuẩn : chất giọng và ngoại hình, anh cho biết là anh không quá tham vọng để trở thành người nổi tiếng. Bằng chứng là sau hơn 10 năm đi hát ở phòng trà, Xuân Phú vẫn không tậu nhà mua xe, vẫn hành nghề một cách tự do, không ký độc quyền với công ty hay thương hiệu nào mà cũng không có người quản lý.

Anh hát trước hết là vì yêu nghề, cho dù trong những năm tháng đầu đời, ca nhạc là một niềm đam mê khá mông lung, chứ chưa thật sự rõ nét. Cũng có thể là Xuân Phú đã an phận, không đòi hỏi gì nhiều và biết tận hưởng những gì anh gầy dựng được từ hai bàn tay trắng.

Nhìn lại chặng đường đã qua, Xuân Phú có thể đã không có cơ duyên để vụt sáng thành một trong những tên tuổi hàng đầu của làng nhạc trong nước. Nhưng tên tuổi này lại rất quen thuộc với tất cả những ai yêu nhạc phòng trà. Sự trung thành của thành phần khán giả này là phần thưởng xứng đáng đối với anh, từ khi Xuân Phú trình làng những album đầu tay cho đến tận bây giờ. Trong làng nhạc, Xuân Phú đứng Riêng một góc trờivà giới hâm mộ anh là những người bạn đồng hành Nơi cuối nỗi cô đơn

Nguồn rfi