Audiophile nữ – tại sao lại không?

FBShare
Ghi nhớ trang

Trong thế giới audio, để tìm ra nữ chủ nhân của các thương hiệu lớn như EveAnna Manley (Manley Labs) hay Gabi van der Kley (Crystal Cable) quả không dễ. Với giới audiophile, dường như vẫn còn hiếm hơn, bởi gần như 100% thành viên các diễn đàn audio trong và ngoài nước đều là nam giới. Tại sao audiophile nữ lại hiếm đến vậy, liệu có hay không audiophile nữ? 

Audiophile nữ - tại sao lại không?

VÌ SAO LẠI HIẾM
Nếu chỉ nhìn vào phần lớn dân chơi audiophile mà kết luận phụ nữ không mặn mà với âm nhạc thì thật hồ đồ. Bởi trong các chương trình âm nhạc lớn (ở mọi thể loại), tỷ lệ khán giả nam và nữ tương đương, kể cả những dòng khó nhằn của rock đến âm nhạc bác học. Vậy không lẽ audio có giới tính và nó thuộc về Adam? Nếu chỉ nhìn vào hình thức thì có vẻ đúng!

Audiophile nữ - tại sao lại không?

 

Theo định nghĩa, audiophile là những người thích nghe nhạc và mê đồ âm thanh. Họ có kiến thức nhất định về âm nhạc cũng như khả năng phối ghép các thiết bị audio sao cho hệ thống trở nên tối ưu với gu nhạc của họ và các điều kiện khách quan khác. Có thể niềm đam mê âm nhạc ở hai phái không khác biệt, nhưng với các thiết bị audio thì khác. Bản chất mạnh mẽ với cái tôi luôn muốn được khẳng định của đàn ông thường bị thuyết phục bởi những thiết kế gồ ghề, táo bạo rất nam tính ở những thiết bị audio: những bộ cánh tản thiệt thô ráp, xù xì, mặt nhôm phay xước lạnh lùng, ánh đèn LED lôi cuốn… Dường như tất cả thiết kế đó đã hút hồn dân audiophile từ cái nhìn đầu tiên, ngay cả khi chưa biết thiết bị đó “kêu” ra sao.

Một trong những đặc trưng không thể bỏ qua của dân audiophile là niềm đam mê. Sau khi kết thúc công việc hàng ngày, họ có thể dành toàn bộ thời gian còn lại (thậm chí lẫn cả vào giấc ngủ) để tìm hiểu thông tin liên quan đến thiết bị đang hoặc sắp sở hữu, hay nghiên cứu schema và tìm kiếm linh kiện cho một dự án DIY mà họ đang triển khai. Đơn giản hơn, họ đắm đuối trong màn trình diễn âm thanh của hệ thống đắc ý. Trong khi đó, với ngàn vạn việc không tên, phụ nữ không thể dành nhiều thời gian đến thế cho niềm đam mê của họ, dù là audio hay mỹ phẩm, thời trang!

 

CHÂN DUNG MỘT SỐ AUDIOPHILE NỮ
Nhiều lần “lang thang” trên các diễn đàn audio lớn, nhưng chưa một lần may mắn được trao đổi với audio thuộc “phái yếu”. Điều đó khiến tôi băn khoăn: Liệu có audiophile nữ? Họ là ai? Nếu có, cuộc chơi audio và phiêu du trong âm nhạc của họ khác cánh mày râu như thế nào? Và cũng nhờ sự tình cờ mà tôi mới có dịp tiếp xúc với một số audiophile nữ để xóa tan hoài nghi bấy lâu.

Audiophile nữ - tại sao lại không?

 

Trong lần đến thăm nhà văn nữ V.A, tôi thực sự ngạc nhiên trước chiếc kệ đĩa lên đến hàng nghìn chiếc CD mà hầu hết là nhạc jazz cổ. Hệ thống âm thanh của chị giản dị, nhưng ấn tượng với cặp loa cổ và đầu lọc CD của Lo-D, bộ ampli bóng đèn tích hợp chạy bóng 6v6. Tuy công sức của bộ ampli này không lớn, nhưng với âm lượng từ nhỏ đến vừa, âm nhạc cứ rả rích, nhẹ nhàng bên tai rất dễ chịu. Giải thích cho quyết định lựa chọn ampli với công suất nhỏ, nhà văn V.A cho biết: Xuất phát từ sở thích nghe nhạc nhỏ, nhưng thường xuyên, chị đã đề nghị người bạn ráp cho chiếc ampli 6v6. Với yêu cầu trung âm trong nhà ấm; không cần độ động lớn, nhưng nhạc tính phải cao, giọng hát của ca sĩ phải được tái hiện chân thực biểu cảm, người bạn thạo kỹ thuật đã khá vất vả để có thể tìm được loại mạch và loại bóng thỏa mãn gu nhạc jazz cổ của chị. Mang đến âm thanh mộc mạc, gần gũi và có hồn, bộ dàn đã thõa mãn tình yêu âm nhạc cùng những đòi hỏi khá khắt khe, nhưng không kém phần tinh tế của chị.

Audiophile nữ - tại sao lại không?

 

Trong dịp khác, qua sự giớ thiệu của ông chủ tiệm bán CD “xịn” có tiếng ở Hà Nội, tôi tình cờ biết chị N – giám đốc một doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực tài chính. Là khách quen của tiệm CD, bộ sưu tập đĩa của chị rất phong phú với tuyệt đại đa số là các chương trình nhạc cổ điển. Chị cho biết hiện đang nghe nhạc trên hệ thống 5.1 của JBL. Trong thời gian đầu, âm thanh của hệ thống khiến chị ngạc nhiên và thích thú. Song càng nghe, chị càng cảm thấy có gì đó …không đúng. Đến khi “tận tai” nghe những hệ thống stereo phối ghép cẩn thận tại một triễn lãm audio diễn ra ở Hà Nội, chị N đã nhận thấy đang cần những gì. Tìm kiếm thông tin trên mạng kết hợp tham khảo tạp chí Nghe Nhìn việt Nam, chị dự định tạo cặp loa cột vỡ vừa của Sonus Faber để nghe nhạc cổ điển cho phòng nghe khoảng 30m2.

Audiophile nữ - tại sao lại không?

 

Một thời gian sau, tôi được chị mời đến nhà để thưởng thức hệ thống Vienna Acoustic và Audio Analogue. Trong âm hưởng cổ điển nhẹ nhàng, ấm áp, chị kể cho chúng tôi quá trình lựa chọn thiết bị quá cầu kỳ. Trước tiên, chị tìm đến showroom C để nghe cặp loa Sonus Faber Grand Piano Domus. Đôi loa này lần lượt được phối ghép với các thiết bị của Ayre (Ayre AX-7e; Ayre CX-7e), Unison Reseach (Unison Reseach S6 và Unison CDP) và Pathos ( Pathos Logos MKll; Pathos Digit). Chị N cho biết: âm thanh của bộ Ayre trong trẻo, êm, nhưng thiếu độ ấm áp cần thiết ở các nhạc cụ gỗ. Với hệ thống phối ghép sử dụng thiết bị của Unison Research, không hiểu sao âm thanh khá cứng và gắt ở một số dải, mặc dù bộ phận khuếch đại và phần xuất âm của đầu đọc sử dụng bóng đèn. Khi đó, chị N cho rằng: có thể các thiết bị của Unison Research còn quá mới, chưa đủ thời gian bresk-in nên âm thanh không như mong đợi. Đến hệ thống của Pathos, dường như các vấn đề trên được giải quyết khá hiệu quả: âm thanh có độ ấm áp và trong trẻo của bóng đèn, song vẫn có độ tương đối của bán dẫn để tái hiện tốt các bản giao hưởng. Tưởng như sẽ quyết định mua bộ phối ghép trên, thì chị N phát hiện ra cặp loa Vienna Acous-tics Baby Beethoven bày tại phòng nghe khác của cửa hàng. Sau khi nhận được một số thông tin tư vấn từ nhà phân phối, chị quyết định nghe thử cặp loa này với bộ đối đầu lọc Maestro và ampli Maestro Settanta  của Audio Analogue. Qua một số track cổ điển, âm thanh của hệ thống đã chinh phục chị hoàn toàn.

 

Audiophile nữ - tại sao lại không?

Quả thực hệ thống loa Vienna Acoustics với đồ đánh của audio Analongue mang đến màng trình diễn nhạc cỗ điển đặc biệt tốt.

Giọng loa ấm áp, chất âm ngọt ngào, tinh tế đầy nội lực của Maestro khiến âm nhạc thăng hoa từ các bản ghi số. Phòng nghe hơn 30m2, nhưng âm thanh của hệ thống tràn ngập không gian. Tuy âm thanh lớn, nhưng êm và nhẹ khiến người nghe có cảm giác đang đắm chìm trong không gian mênh mang của âm nhạc, chứ không có cảm giác khó chịu như khi bị “tấn công” bởi âm thanh của các bộ dàn chất lượng kém. Có thể nói, chị N có đôi tai khá “sành” khi quyết định sử dụng hệ thống này để làm nhịp cầu chuyển tải âm nhạc.

Với lựa chọn thiết bị cầu kỳ đến mức khắt khe của chị N hay nhà văn V.A,  tôi có cảm giác audiophile nữ cũng hết sức thận trọng khi lựa chọn thiết bị để thưởng thức âm nhạc. Các chị đã dành nhiểu thời gian nghiên cứu, tìm hiểu thông tin và tham vấn ý kiến của những người sành chơi, các chuyên gia trong lĩnh vực audio trước khi đưa ra quyết định. Quãng thời gian tìm hiểu đến khi quyết định khá dài. Có vẻ các audiophile nữ bình tĩnh hơn các đấng mày râu trước các quyết định mua sắm, nên họ thường đúng! Phải thế chăng mà sau thời gian khá dài, khi liên hệ lại, tôi biết các nữ chủ nhân vẫn hài lòng với những thiết bị hiện có.
Quả là thú chơi âm thanh không của riêng ai. Nó không phân biệt tuổi tác, giới tính, vùng miền, miễn là có nhu cầu hưởng thụ văn hóa – âm nhạc thông qua các sản phẩm của thế giới văn minh.

TYPN – NNVN